Lịch sử tại Trung Quốc Pháp_Luân_Công

1992–1996

Lý Hồng Chí giới thiệu Pháp Luân Công cho công chúng vào ngày 13 tháng 5 năm 1992, tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm.[14] Vài tháng sau, vào tháng 9 năm 1992, Pháp Luân Công đã được thừa nhận là một môn phái khí công dưới sự quản lý của Hội nghiên cứu khoa học Khí công Trung Quốc của nhà nước (HNKKT). Lý đã được công nhận là một bậc thầy khí công, và được phép dạy thực hành khí công của mình trên toàn quốc.[120] Giống như nhiều thầy khí công vào thời điểm đó, Lý đi du lịch vòng quanh các thành phố lớn ở Trung Quốc 1992-1994 để dạy thực hành Pháp Luân Công. Ông đã được trao tặng một số giải thưởng của các tổ chức chính phủ Trung Quốc.[14][77][121][122]

Theo David Ownby, Giáo sư Lịch sử và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Montréal, Lý Hồng Chí đã trở thành một "ngôi sao vụt sáng của phong trào khí công",[120] và Pháp Luân Công đã được chính phủ chấp nhận như là một phương tiện hiệu quả của việc giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy văn hóa Trung Quốc, và nâng cao đạo đức cộng đồng. Trong tháng 12 năm 1992, Lý và một số học viên Pháp Luân Công tham gia Hội chợ triển lãm y tế châu Á tại Bắc Kinh, nơi ông được báo cáo "đã nhận được khen ngợi nhiều nhất [so với các trường phái khí công khác] tại hội chợ, và đạt được kết quả điều trị rất tốt," theo Ban tổ chức của hội chợ[14] Sự kiện này đã khẳng định danh tiếng của Lý, và các báo cáo về công năng chữa bệnh của Pháp Luân Công trên báo chí bắt đầu lan rộng.[14][19] Năm 1993, một ấn phẩm của Bộ Công an Trung Quốc khen ngợi Lý Hồng Chí đã "phát huy đức tính chống tội phạm truyền thống của người Trung Quốc trong việc bảo vệ trật tự an ninh xã hội, và trong việc thúc đẩy sự ngay thẳng trong xã hội."[123]

Pháp Luân Công khác biệt so với các trường phái khí công khác ở chỗ nhấn mạnh vào đạo đức, chi phí thấp, và lợi ích cho sức khỏe. Nó nhanh chóng phát triển qua việc truyền miệng, thu hút một loạt các học viên đến từ tất cả các tầng lớp xã hội, bao gồm cả một số thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc.[22]

Từ năm 1992 đến năm 1994, Lý có tính chi phí cho các cuộc hội thảo và bài giảng của ông trên khắp Trung Quốc, mặc dù chi phí ông lấy thấp hơn đáng kể so với các môn khí công cạnh tranh khác, và các Hiệp hội khí công địa phương nhận được một phần tiền đáng kể trích ra từ khoản thu này.[81] Lý giải thích lệ phí này như là cần thiết để trang trải chi phí đi lại và các chi phí khác, và trong một số trường hợp, ông đã tặng toàn bộ số tiền thu được cho từ thiện. Năm 1994, Lý ngừng thu phí hoàn toàn, sau đó quy định rằng Pháp Luân Công luôn luôn phải được dạy miễn phí, và sách vở giáo lý của Pháp Luân Công phải có sẵn miễn phí (bao gồm cả trực tuyến).[124] Mặc dù một số nhà quan sát tin rằng Lý tiếp tục có được thu nhập đáng kể thông qua việc bán sách Pháp Luân Công,[125] những người khác phản đối việc này, và chỉ ra rằng hầu hết các sách Pháp Luân Công đều là các bản sao lậu.[58]

Tại Triển lãm sức khỏe Châu Á tại Bắc Kinh năm 1994, Lý Hồng Chí được khen tặng là "Bậc thầy khí công lỗi lạc." Pháp Luân Công cũng nhận được "Giải thưởng vàng đặc biệt" và giải thưởng "Phát triển Lĩnh vực khoa học."

Với việc xuất bản các sách Pháp Luân Công và Chuyển Pháp Luân, Lý đã khiến những bài giảng của mình trở nên dễ tiếp cận hơn nhiều. Sách Chuyển Pháp Luân, được công bố vào tháng 1 năm 1995 tại một buổi lễ được tổ chức tại hội trường của Bộ Công an, đã trở thành một trong các cuốn sách bán chạy nhất ở Trung Quốc.[126][127]

Năm 1995, chính quyền Trung Quốc bắt đầu tiếp cận Pháp Luân Công để củng cố cơ cấu tổ chức của nó và ràng buộc quan hệ của nó với các tổ chức Đảng và nhà nước.[84] Ủy ban quốc gia Thể thao Trung Quốc, Bộ Y tế Cộng đồng, và Hội nghiên cứu khoa học Khí công Trung Quốc (HNKKT) đã tìm gặp Lý để cùng nhau thành lập một hiệp hội Pháp Luân Công. Lý đã từ chối. Cùng năm đó, HNKKT ban hành một quy định mới buộc các tất cả các giáo phái khí công phải thành lập một chi nhánh Đảng bộ Đảng Cộng sản. Lý một lần nữa từ chối.[12]

Căng thẳng tiếp tục leo thang giữa Lý và HNKKT vào năm 1996. Trong khi đối mặt với sự phổ biến ngày càng tăng của Pháp Luân Công-phần lớn là do học phí thấp của nó-các thầy khí công khác cạnh tranh với Lý cáo buộc Lý đã phá giá. Theo Schechter, Hiệp hội khí công đã yêu cầu Lý tăng học phí, nhưng Lý đã nhấn mạnh nhu cầu các bài giảng của mình phải được cung cấp miễn phí.[81]

Trong tháng 3 năm 1996, do bất đồng gia tăng, Pháp Luân Công đã rút khỏi HNKKT, sau đó nó đã hoạt động không phụ thuộc vào một hiệp hội chính thức nào của nhà nước Trung Quốc. Đại diện của Pháp Luân Công đã cố gắng để đăng ký Pháp Luân Công với các cơ quan khác của chính phủ, nhưng đã bị từ chối.[128] Lý Hồng Chí và Pháp Luân Công kể từ đó đã đứng ngoài các mối quan hệ cá nhân và giao dịch tài chính với nhà nước, vốn là tiêu chí đảm bảo cho các thầy dạy khí công và các tổ chức khí công của họ có thể tìm được một chỗ đứng trong hệ thống nhà nước Trung Quốc, và được nhà nước này bảo vệ.[129]

1996–1999

Việc Pháp Luân Công rút lui khỏi tổ chức HNKKT của nhà nước xảy ra đồng thời với một sự thay đổi lớn hơn trong thái độ của chính phủ đối với môn khí công. Khi những người gièm pha khí công trong chính phủ ngày càng có ảnh hưởng nhiều hơn, chính quyền bắt đầu cố gắng kiềm chế sự phát triển và ảnh hưởng của các môn phái khí công, trong đó có một số môn phái đã có hàng chục triệu học viên.[14] Vào giữa những năm 1990, truyền thông nhà nước bắt đầu xuất bản các bài báo chỉ trích khí công.[12][14]

Lý Hồng Chí (bên phải) nhận bằng khen từ thống đốc Illinois vào năm 1999.

Ban đầu Pháp Luân Công được nhà nước bảo vệ không bị làn sóng chỉ trích tấn công, nhưng sau khi rút khỏi HNKKT vào tháng 3 năm 1996, Pháp Luân Công đã không được bảo vệ nữa. Vào ngày 17 tháng 6 năm 1996, Quang Minh nhật báo, một tờ báo nhà nước có ảnh hưởng lớn đã xuất bản một bài bút chiến chống lại Pháp Luân Công, trong đó Chuyển Pháp Luân, tác phẩm trung tâm của môn phái này, được mô tả như một ví dụ của "mê tín thời phong kiến."[14][130] Tác giả viết rằng lịch sử của nhân loại là một "cuộc đấu tranh giữa khoa học và mê tín dị đoan", và kêu gọi các nhà xuất bản Trung Quốc không in "sách giả khoa học của kẻ lừa đảo." Bài báo đã được ít nhất hơn hai mươi tờ báo khác trên toàn Trung Quốc cùng hưởng ứng. Ngay sau đó, vào ngày 24 tháng 7, Ban Tuyên giáo Trung ương cấm tất cả các ấn phẩm sách của Pháp Luân Công (mặc dù lệnh cấm đã không được thực thi một cách nhất quán).[130] Hiệp hội Phật giáo do Nhà nước Trung Quốc quản lý cũng bắt đầu đưa ra những lời chỉ trích Pháp Luân Công, kêu gọi Phật tử không tham gia tập luyện nó.[131]

Các sự kiện xảy ra này là một thách thức quan trọng đối với học viên Pháp Luân Công, và các học viên của tổ chức này đã không hề xem nhẹ.[132] Hàng ngàn người theo Pháp Luân Công đã viết thư cho Quang Minh nhật báo và HNKKT, khiếu nại chống lại các biện pháp trừng phạt, tuyên bố rằng họ đã vi phạm chỉ thị "Ba không" của Hồ Diệu Bang về việc cấm các phương tiện truyền thông khuyến khích hoặc chỉ trích khí công.[130][133] Trong một động thái phản đối khác, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức các cuộc biểu tình hòa bình bên ngoài phương tiện truyền thông địa phương hoặc cơ quan chính phủ để yêu cầu rút lại những bài báo đã viết về Pháp Luân Công mà họ coi là không công bằng. Lý Hồng Chí tuyên bố rằng phản ứng của các học viên đối với chỉ trích đã cho thấy cái tâm của họ và "sẽ loại bỏ các đệ tử giả mạo để giữ lại những đệ tử thật sự". Ông cũng nói rõ rằng việc công khai bảo vệ Pháp Luân Công là một hành động công chính và là một khía cạnh quan trọng của việc tu luyện Pháp Luân Công.[19]

Các cuộc bút chiến chống lại Pháp Luân Công là một phần của một phong trào lớn chống lại các tổ chức khí công bằng phương tiện truyền thông của nhà nước.[134] Mặc dù Pháp Luân Công không phải là mục tiêu duy nhất của những lời chỉ trích trên các phương tiện truyền thông, cũng không phải là môn phái khí công duy nhất phản đối nhà nước, phản ứng của Pháp Luân Công là phản ứng có đông người tham gia nhất và kiên định nhất.[76] Nhiều cuộc biểu tình của Pháp Luân Công chống lại việc mô tả tiêu cực về Pháp Luân Công trên các phương tiện thông tin đã thành công, kết quả là một số tờ báo đã rút lại một số bài báo chỉ trích môn phái này. Điều này góp phần củng cố niềm tin của các học viên rằng những chỉ trích truyền thông đối với Pháp Luân Công là sai hoặc phóng đại, và lập trường của họ là đúng đắn.[135]

Tháng 6 năm 1998, Hà Tộ Hưu, một nhà phê bình thẳng thắn môn khí công và một người bảo vệ chủ nghĩa Mác quyết liệt, xuất hiện trên một talk show trên truyền hình Bắc Kinh công khai chỉ trích khí công, và đề cập cụ thể đến Pháp Luân Công.[136] Các học viên Pháp Luân Công đã đáp trả bằng các cuộc biểu tình hòa bình và vận động đài truyền hình sửa sai. Các phóng viên chịu trách nhiệm về chương trình trên đã bị sa thải, và một chương trình truyền hình khen ngợi Pháp Luân Công đã được phát sóng vài ngày sau đó.[137][138] Các học viên Pháp Luân Công cũng tham gia biểu tình tại 14 cơ quan truyền thông khác.[137]

Trong năm 1997, Bộ Công an đã phát động một cuộc điều tra xem liệu Pháp Luân Công có nên được coi là tà giáo (邪教, xiejiao). Báo cáo đã kết luận rằng "không có bằng chứng nào cho đến thời điểm hiện tại".[139] Tuy nhiên, một năm sau đó, vào ngày 21 tháng 7 năm 1998, Bộ Công an đã ban hành văn bản số 555, "Thông báo về cuộc điều tra Pháp Luân Công". Tài liệu này khẳng định rằng Pháp Luân Công là một "tà giáo", và lệnh cho các cuộc điều tra khác cần được tiến hành để tìm kiếm bằng chứng hỗ trợ cho kết luận trên.[140] Các học viên Pháp Luân Công cho biết các đường dây điện thoại của họ bị ghi âm, nhà của họ bị lục soát và đột kích, và nơi tập luyện Pháp Luân Công bị nhân viên an ninh công cộng đến phá rối.[19]

Trong khoảng thời gian này, ngay cả khi những lời chỉ trích khí công và Pháp Luân Công tăng cao trong một số giới chức, Pháp Luân Công vẫn duy trì được sự ủng hộ của một số quan chức cao cấp trong chính phủ. Năm 1998, Kiều Thạch, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc mới về hưu khởi xướng cuộc điều tra riêng của cá nhân ông đối với Pháp Luân Công. Sau nhiều tháng điều tra, nhóm của ông đã kết luận rằng "Pháp Luân Công có hàng trăm lợi ích cho người dân Trung Quốc và nước Trung Quốc, và không có một tác động xấu nào."[141] Vào tháng 5 cùng năm, Ủy ban Thể thao quốc gia Trung Quốc đã phát động cuộc điều tra riêng của mình về Pháp Luân Công. Dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn 12.000 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Quảng Đông,[12] Ủy ban nói rằng họ "khẳng định các bài tập và hiệu quả của Pháp Luân Công là tuyệt vời. Nó đã làm được rất nhiều việc nhằm cải thiện sự ổn định và đạo đức của xã hội."

Người sáng lập môn phái, Lý Hồng Chí, không có mặt tại Trung Quốc trong phần lớn giai đoạn gia tăng căng thẳng với chính phủ. Vào tháng 3 năm 1995, Lý đã rời Trung Quốc để đi dạy Pháp Luân Công ở Pháp và sau đó là các nước khác. Vào năm 1998 ông đã có được quyền thường trú tại Hoa Kỳ.[12][19][142]

Đến năm 1999, Ủy ban Thể thao Nhà nước đã thống kê có khoảng 70 triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.[104][143] Một nhân viên giấu tên của Ủy ban Thể thao quốc gia của Trung Quốc, được trích dẫn trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí U.S. News & World Report lúc đó đã suy đoán rằng nếu 100 triệu người đã tập luyện Pháp Luân Công và các hình thức khí công khác thì chi phí chăm sóc sức khỏe sẽ giảm đáng kể và "Thủ tướng Chu Dung Cơ rất hạnh phúc về điều này."[105]

Biểu tình tại Thiên Tân và Trung Nam Hải

Vào cuối những năm 1990, mối quan hệ của Đảng Cộng sản đối với phong trào Pháp Luân Công đang phát triển ngày càng trở nên căng thẳng. Các báo cáo về phân biệt đối xử và giám sát của Cục Công an với các học viên đã gia tăng chóng mặt, và các học viên Pháp Luân Công cũng thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình ngồi để phản ứng lại các bài báo trên các phương tiện truyền thông mà họ coi là không công bằng. Các báo cáo điều tra mâu thuẫn nhau, được một bên là Bộ Công an và một bên là Ủy ban Thể thao Nhà nước do Kiều Thạch đưa ra, đã làm những bất đồng giữa giới tinh hoa của Trung Quốc về cách đối xử với Pháp Luân Công ngày càng tăng.

Vào tháng 4 năm 1999, một bài báo chỉ trích Pháp Luân Công đã được công bố trên tạp chí Độc giả Thanh niên của Đại học Sư phạm Thiên Tân. Bài báo này được nhà vật lý Hà Tộ Hưu viết ra. Như Porter và Gutmann đã chỉ ra, Hà Tộ Hưu là người thân của thành viên Bộ Chính trị, Bí thư Bộ Công an La Cán.[84][144] Bài viết này coi khí công nói chung và Pháp Luân Công nói riêng là mê tín dị đoan và có hại cho thanh thiếu niên.[145] Các học viên Pháp Luân Công phản ứng bằng cách bao vây văn phòng của tờ báo và yêu cầu rút lại bài báo.[140] Không giống như các trường hợp trước đây với việc phản đối thành công của học viên Pháp Luân Công, vào ngày 22 tháng 4, cuộc biểu tình tại Thiên Tân đã bị phá vỡ với sự xuất hiện của 300 cảnh sát chống bạo động. Một số học viên đã bị đánh đập, và 45 người đã bị bắt.[81][140][146] Các học viên Pháp Luân Công khác được cho biết rằng, nếu họ muốn phản đối nữa, họ cần phải đưa vấn đề này lên với Bộ Công an và đến Bắc Kinh để kháng cáo.[144][146][147]

Biểu tình của các học viên Pháp Luân Công trước Trung Nam Hải, ngày 25 tháng 4 năm 1999.

Cộng đồng Pháp Luân Công đã phản ứng bằng cách huy động hội viên một cách nhanh chóng. Vào sáng ngày 25 tháng 4, 10.000 học viên đã tụ tập gần trung tâm văn phòng khiếu nại để yêu cầu chấm dứt việc sách nhiễu leo thang chống lại Pháp Luân Công, và yêu cầu thả các học viên ở Thiên Tân. Theo Benjamin Penny, các học viên đã tìm cách yêu cầu ban lãnh đạo Trung Quốc bằng cách tiếp cận họ và, "mặc dù rất nhẹ nhàng và lịch sự, thể hiện rõ ràng rằng họ sẽ không chấp nhận bị đối xử tồi tệ như vậy nữa."[77] Nhà báo Ethan Gutmann đã viết rằng nhân viên an ninh đã chờ sẵn, và dồn các học viên vào phố Fuyou ở mặt trước của văn phòng chính phủ tại Trung Nam Hải.[144] Họ ngồi lặng lẽ trên vỉa hè xung quanh Trung Nam Hải.[148]

Năm đại diện của Pháp Luân Công có cuộc gặp với Thủ tướng Chu Dung Cơ và các quan chức cấp cao khác để thương lượng một giải pháp. Các đại diện của Pháp Luân Công đã được đảm bảo rằng chế độ luôn hỗ trợ các bài tập vật lý để cải thiện sức khỏe và không coi các học viên Pháp Luân Công là những người chống chính phủ.[148] Đạt được thỏa thuận này, đám đông học viên Pháp Luân Công biểu tình đã giải tán.[144]

Tổng Bí thư Đảng Giang Trạch Dân được thông báo từ Ủy viên Bộ Chính trị La Cán,[109] và được báo cáo ông đã tức giận vì sự táo bạo của cuộc biểu tình, lớn nhất kể từ khi cuộc biểu tình Thiên An Môn mười năm trước đó. Giang kêu gọi phải hành động kiên quyết để ngăn chặn Pháp Luân Công,[99] và đã chỉ trích Thủ tướng Chu vì "quá mềm" trong việc xử lý tình hình.[81] Buổi tối hôm đó, Giang viết một bức thư nêu rõ ý muốn của mình là muốn Pháp Luân Công "bị tiêu diệt". Trong thư, Giang bày tỏ sự lo ngại về quy mô và mức độ phổ biến của Pháp Luân Công, và đặc biệt là về số lượng lớn các thành viên cấp cao của Đảng Cộng sản cũng đồng thời là các học viên Pháp Luân Công. Ông cũng gợi ý rằng những triết lý đạo đức của Pháp Luân Công là đi ngược lại với các giá trị vô thần của chủ nghĩa Mác-Lênin, và do đó tạo thành một hình thức cạnh tranh về ý thức hệ.[149]

Pháp Luân Công cho rằng Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định đàn áp Pháp Luân Công này.[150][151] Peerman trích dẫn các lý do như sự ghen tỵ cá nhân đối với Lý Hồng Chí (còn đang nghi ngờ); Saich chỉ ra sự giận dữ của Giang là do sự hấp dẫn trên quy mô rộng rãi của Pháp Luân Công, và cuộc đấu tranh tư tưởng là nguyên nhân cho sự đàn áp sau đó. Willy Wo-Lap Lam cho thấy quyết định của Giang Trạch Dân đàn áp Pháp Luân Công đã liên quan đến một mong muốn củng cố quyền lực của Giang trong Bộ Chính trị.[152] Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và tầng lớp cầm quyền đã tỏ ra không hề thống nhất ý kiến về việc có nên đàn áp Pháp Luân Công hay không.[138]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Pháp_Luân_Công http://www.theage.com.au/news/world/falun-gong-org... http://www.nla.gov.au/grants/haroldwhite/papers/bp... http://www.abc.net.au/radionational/programs/backg... http://english.people.com.cn/special/fagong/199907... http://english.peopledaily.com.cn/english/199908/0... http://www.amazon.com/Bloody-Harvest-Organ-Harvest... http://www.amazon.com/Wild-Grass-Portraits-Change-... http://www.bangkokpost.com/archive/court-allows-fa... http://www.bangkokpost.com/print/649068/ http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2014/04/1404...